Hàng năm vào mùa nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 8) thường xuyên xảy ra các vụ cháy gây hậu quả lớn về người và tài sản…
Thời tiết oi bức, nắng nóng, nhu cầu sử dụng thiết bị điện gia tăng dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập mạch, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổTrong những ngày hè, nhiệt độ miền Bắc nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng luôn duy trì ở mức cao, có nơi lên tới trên 40 độC. Nắng nóng làm tăng nguy cơ dẫn đến các vụ cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Theo phân tích của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, trong số các vụ cháy trong thời điểm mùa hè nắng nóng, đa số nguyên nhân xuất phát từ sự cố chập điện. Chính vì vậy, trong công tác phòng cháy chữa cháy cần lưu ý kiểm tra hệ thống điện, dây điện, đường điện, tủ điện thường xuyên đặc biệt là các cơ sở sản xuất.
Nếu qua quá trình kiểm tra phát hiện vấn đề hỏng, chập điện cần phải thay thế dây kịp thời. Việc thay thế dây phải tiến hành thường xuyên hoặc định kỳ đặc biệt là sau một thời gian không sử dụng. Phân tích những nguyên nhân này, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Dũng – Phó trưởng Phòng CS PCCC số 7 – CS PCCC Hà Nội cho biết:
“Đối với mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, nhu cầu sản xuất, kinh doanh tăng đột biến dễ phát sinh cháy nổ, đặc biệt với các thiết bị điện hoạt động trong môi trường nắng nóng hay những cơ sở sản xuất kinh doanh đã lâu, có thiết bị điện không đảm bảo an toàn PCCC, việc xảy ra sự cố chủ yếu do trách nhiệm của người đứng đầu, chủ cơ sở chưa quan tâm đến công tác PCCC, chưa thường xuyên kiểm tra trang thiết bị PCCC, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn PCCC”.
Vào mùa nắng nóng, thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường ở mức cao, vì vậy nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát, làm lạnh và phục vụ việc sản xuất, kinh doanh tăng cao. Bên cạnh đó là sự bất cẩn của con người trong quá trình sử dụng các thiết bị điện dẫn đến các sự cố về quá tải, chập điện xảy ra và sự bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình đun nấu, thắp hương, thờ cúng khiến nguy cơ cháy, nổ tăng cao.
Chính vì vậy, Tập đoàn điện lực Việt Nam khuyến cáo khách hàng nên nêu cao tinh thần tiết kiệm điện và đề phòng quá tải các đường dây tải điện dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Về vấn đề này, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN lưu ý:
“Theo thông lệ khi nắng nóng đặc biệt là cao điểm mùa hè thì nhu cầu sử dụng các thiết bị điện sẽ tăng cao đẫn tới một số hiện tượng chập cháy do sự cố hệ thống điện trong gia đình. Thì EVN mong muốn mọi khách hàng lưu ý và chúng ta cũng tăng cường kiểm tra hệ thống điện đặc biệt là các thiết bị chúng ta đang sử dụng có nguy cơ xảy ra cháy, mất an toàn trong những ngày cao điểm nắng nóng, mùa hè và đặc biệt sử dụng điệm một cách tiết kiệm, an toàn và hiệu quả”.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong mùa nắng nóng, Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở và chủ hộ gia đình thực hiện tốt các biện phát an toàn mùa nắng nóng. Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC.
Không dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ xẩy ra.
Phải thường xuyên và định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện. Đồng thời, mỗi cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lô gia, lối lên mái.
Trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xẩy ra. Đưa ra những lời khuyên trong công tác đảm bảo an toàn PCCC mùa nắng nóng, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Dũng – Phó trưởng Phòng CS PCCC số 7 – CS PCCC Hà Nội cho biết thêm:
“Chúng tôi khuyến cáo đến từng hộ gia đình, từng cơ sở sản xuất, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp việc đảm bảo an toàn PCCC trong mùa nắng nóng phải tăng cường ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra, rà soát trang thiết bị PCCC.
Với hộ gia đình, không sử dụng nhiều thiết bị điện trong cùng một thời điểm, việc thắp hương, thờ cúng đúng nơi quy định và phải có người giám sát. Với các cơ quan, DN, xưởng sản xuất, khuyến cáo việc tăng cường tự kiểm tra công tác PCCC, kiểm tra, bảo dưỡng, trang bị phương tiện PCCC, sắp xếp, bố trí hàng hóa gọn gàng, không cản trở lối thoát nạn, định kỳ bảo dưỡng các phương tiện PCCC, thường xuyên tập huấn cho các đơn vị PCCC cơ sở”.
Khi mà thời tiết còn tiếp tục nhiều diễn biến phức tạp, sắp tới dự báo vẫn còn những đợt nắng nóng kéo dài, lực lượng PCCC khuyến cáo, người dân cần hết sức đề phòng, cùng với lực lượng chức năng quyết tâm loại trừ những nguyên nhân và điều kiện có thể phát sinh hỏa hoạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mọi người.
Theo thống kê của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn xảy ra 28 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy trung bình, 25 vụ cháy nhỏ, 2 vụ cháy rừng. Không có thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản ước tính gần 50 triệu đồng. Ngoài ra còn có: 50 vụ chập điện trên cột, 9 sự cố, 4 vụ việc liên quan đến công tác CNCH.
Tuần qua lực lượng PCCC cũng tập trung kiểm tra công tác PCCC tại các công trình, chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, cơ sở karaoke, cơ sở kinh doanh xăng dầu, hóa chất… Kiểm tra, rà soát công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề, tổ chức kiểm tra định kỳ tại 523 cơ sở, lập 523 biên bản, yêu cầu các cơ sở khắc phục 933 tồn tại, thiếu sót; ra quyết định xử phạt 69 trường hợp vi phạm an toàn PCCC với số tiền hơn 75 triệu đồng.